Mặc dù chưa có công bố chính thức nhưng theo truyền thông chính thống Mỹ thì khả năng ứng cử viên Đảng dân chủ sẽ dành thắng lợi trở thành Tổng thống thứ 46, nhiệm kỳ 4 năm tiếp theo là ông Biden, Ông Biden không phải là nhân vật xa lạ với Việt Nam. Ông Biden thuộc nhóm thượng nghị sĩ ủng hộ tiến trình bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, là Phó Tổng thống chính quyền Obama – giai đoạn quan hệ Việt – Mỹ phát triển toàn diện.
Dù ai trở thành ông chủ Nhà Trắng thì quan hệ Việt – Mỹ vẫn sẽ duy trì đà phát triển, vì giữa hai nước có nhiều song trùng lợi ích, nhất là về chiến lược và kinh tế. Những lợi ích này là lợi ích quốc gia, vượt qua phạm vi lợi ích đảng phái.
Tất nhiên, về cách thực hiện và chính sách cụ thể thì mỗi chính quyền sẽ mang lại cho Việt Nam những thuận lợi và thách thức khác nhau.
Đối với chính quyền Biden, thuận lợi là họ sẽ nhấn mạnh hơn khía cạnh hợp tác quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương và các thể chế toàn cầu, ưu tiên chống biến đổi khí hậu…, đều là những chính sách phù hợp với lợi ích của Việt Nam.
Thách thức là họ có thể đề cao các vấn đề giá trị, hoặc không đủ mạnh mẽ trong hành động trên hồ sơ Biển Đông, hoặc quá bận tâm với các ưu tiên mới mà lơ là khu vực và Việt Nam như vấn đề đại dịch covid-19, khu vực Đông Bắc Á, Trung Đông kể cả Khối Bắc Đại Tây Dương (NATO)…
Việt Nam có thể chủ động phối hợp với các nước khác có cùng tư duy, cùng mối quan tâm để vận động chính quyền mới đưa ra hoặc duy trì các chính sách phù hợp với lợi ích của Việt Nam. Tuy nhiên, có thành công hay không lại là chuyện khác.
Chỉ có một điều rõ ràng là Việt Nam cũng như các nước đều phải chấp nhận thực tế chính trị mới ở Washington, qua đó đưa ra những điều chỉnh để thích nghi và bảo vệ tốt nhất lợi ích quốc gia của mình.
Nguyễn Ngọc