Phi chính trị hóa” quân đội là luận điểm đã xuất hiện từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX ở các nước tư bản phương tây. Với chế độ đa đảng chính trị, để hạn chế sự can dự của quân đội vào các cuộc tranh giành quyền lực chính trị, nhà cầm quyền các nước này đề ra luận điểm “phi chính trị hóa quân đội”.
Tính giả tạo của luận điểm này V.I.Lênin chỉ rõ trong bài báo “Quân đội và cách mạng” đăng trên báo “Đời sống mới” của nước Nga, ngày 16/11/1905: “…những câu nói của bọn tôi tớ của nền chuyên chế về tính trung lập của quân đội, về sự cần thiết phải giữ cho quân đội đứng ngoài chính trị…là giả dối, rằng những lời nói đó không thể mong được binh lính đồng tình một chút nào”. V.I.Lênin chỉ rõ: “Quân đội không thể và không nên trung lập. Không lôi kéo quân đội vào chính trị – đó là khẩu hiệu của bọn tôi tớ giả nhân, giả nghĩa của giai cấp tư sản” (1).
Việt Nam phải phi chính trị hóa là một luận điệu mà các thế lực thù địch, phản động với Việt Nam vẫn rả rích tuyên truyên truyền, với nhiều biến thể khác nhau. Trên mặt trận tư tưởng, lý luận, chúng rêu rao rằng, bao năm qua Quân đội Nhân dân Việt Nam đã chiến đấu hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì độc lập tự do của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân, luôn gắn bó mật thiết với nhân dân và dân tộc, cho nên quân đội “chỉ là của dân tộc, của đất nước”, các vấn đề liên quan đến quân sự, quốc phòng phải được nhân dân và Quốc hội bàn bạc, quyết định.
Trên lĩnh vực tổ chức, chúng công kích phủ nhận tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm quân sự, quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang Nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, phủ nhận nguyên tắc: “Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt”. Từ đó, chúng kêu gọi Quân đội từ bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, đứng “trung lập”, “đứng ngoài chính trị” để bảo vệ nhân dân, bảo vệ đất nước được tốt hơn, theo lời của chúng.
Trên lĩnh vực thông tin, truyền thông, các thế lực khai thác internet, mạng xã hội để xuyên tạc, lôi kéo, dụ dỗ nhiều người tham gia chống phá Quân đội, …để xuyên tạc phủ nhận vai trò, chức năng của Quân đội, trong việc bảo vệ Tổ quốc.
Đây là luận điệu phản động về chính trị và phản khoa học cả về lý luận và thực tiễn, bản chất của những luận điệu trong chiến lược “diễn biến hòa bình” đó, mục đích cuối cùng là nhằm chuyển hướng chính trị của Quân đội Nhân dân Việt Nam từ Quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân, của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân sang kiểu quân đội tư bản; làm cho Quân đội của ta không còn là công cụ bạo lực sắc bén, lực lượng chính trị tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng; làm mất phương hướng chính trị, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch tiến hành xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam giống như kiểu: “Mùa xuân A-Rập”, “Cách mạng hoa Hồng”, “Cách mạng Đường phố”,..mà chúng thành công hàng loạt các nước trên thế giới.
Hơn 70 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô, Quân đội Liên Xô không ngừng lớn mạnh, một Quân đội mang bản chất giai cấp công nhân, hùng mạnh nhất thế giới, một Quân đội từng giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh thế giới thứ 2, cứu nhân loại thoát nạn diệt chủng của chủ nghĩa phát xít nhưng hoàn toàn bại trước âm mưu “phi chính trị hóa” của kẻ thù, làm sụp đổ cả một chế độ, tan rã một quốc gia hùng mạnh. Biến cố này giúp Việt Nam thấy được bài học sâu sắc của âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch; bài học yêu cầu Việt Nam luôn luôn cảnh giác, chủ động đấu tranh gìn giữ hòa bình, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.
Lịch sử 77 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2020) đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một Quân đội Nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”(2). Để phát huy nguồn sức mạnh đó, ngày 17/10/1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng, khóa VI đã ra Chỉ thị số 381-CT/TW, lấy ngày 22/12-Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam là Ngày Hội Quốc phòng toàn dân, nhằm phát huy truyền thống yêu nước, biểu dương sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, toàn quân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại chống quân xâm lược, giành độc lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng, được nhân dân nuôi dưỡng đùm bọc, sát cánh chiến đấu, Quân đội Nhân dân Việt Nam luôn thể hiện là vai trò lực lượng nòng cốt không ngại khó khăn, chấp nhận hy sinh trong đấu tranh vũ trang cách mạng, chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân.
Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, đặt ra những yêu cầu mới rất nặng nề và khó khăn cho Quân đội Nhân dân Việt Nam; bất cứ tình huống nào, lực lượng quân đội cũng phải luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia Việt Nam.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đặt lên hàng đầu vấn đề xây dựng Quân đội về chính trị; lấy xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp sức mạnh chiến đấu của Quân đội. Do đó, Quân đội Nhân dân Việt Nam luôn là công cụ bạo lực sắc bén, lực lượng chính trị tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Từ những cơ sở khoa học trên, khẳng định tại Việt Nam: không bao giờ có quân đội “trung lập”, quân đội “đứng ngoài chính trị”. Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đảng không chia sẻ quyền lãnh đạo đó cho bất cứ tổ chức, đảng phái nào khác./.
Người viết
Nguyễn Thị Thanh Phúc
I.Lênin: toàn tập, tập 12, NXB Tiến bộ, Matxcơva, 1979, tr136.
Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14, NXB Chính trị Quốc gia, H.2011, tr 435