Theo các tài liệu chính thức ở Việt Nam, ngày 5-6-1911 người thanh niên Nguyễn Tất Thành – đang làm phụ bếp với tên gọi là Văn Ba – đã theo tàu Amiral Latouche Tréville rời bến cảng Sài Gòn đi Marseille (Pháp) mở đầu cuộc hành trình tìm con đường cứu nước của một người thanh niên yêu nước sau này trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là một sự kiện lịch sử và cũng là một sự thật lịch sử không thể phủ nhận.
Song vẫn có quan điểm cho rằng, Nguyễn Tất Thành khi đó ra đi không phải để tìm đường cứu nước mà là để mưu sinh và họ đã đưa ra nhiều bằng chứng cho quan điểm này. Nhưng nếu là người có lương tâm, thông thái và khách quan thì phải đặt lại câu hỏi, vậy sự chuẩn bị các tiền đề tất yếu như sau khi đến Pháp và một số nước như Anh và Mỹ, Nguyễn Tất Thành đã viết 8 điểm yêu sách của Nhân dân An Nam gửi đến Hội nghị Véc-xây (Pháp) năm 1918 (tức là chỉ cách 7 năm sau khi Người rời Bến Nhà Rồng) để đòi quyền lợi cho người dân An Nam; sau khi tiếp cận Luận cương của Lê Nin về vấn đề giải phóng dân tộc, Nguyễn Tất Thành tán thành Quốc tế 3 và trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Pháp (chứ không phải là đảng viên một đảng phái khác);
Nguyễn Tất Thành có sự chuẩn bị từ rất sớm để thành lập tổ chức thanh niên cách mạng Đồng chí Hội, tập hợp, bồi dưỡng, huấn luyện thanh niên ưu tú Việt Nam để truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê Nin vào trong nước chuẩn bị tiền đề cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930.
Sau 30 năm với cuộc hành trình đầy gian khổ, ngày 28/1/1941, Nguyễn Tất Thành trở về nước để cùng với Đảng, Nhân dân lãnh đạo phong trào cách mạng đánh đổ phát xít Nhật, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ…đưa dân tộc Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ, sánh vài cùng các cường quốc năm Châu.
Một con người như Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho dân tộc, cho tổ quốc là niềm tự hào bất tận.
Nguyễn Ngọc