Những cơn mưa trái mùa đang góp sức cho những chồi non khoe sắc sau một thời gian ẩn mình, bầu trời TP Bà Rịa trong xanh đầy mây trắng, mặt biển Long Hải mênh mang sóng bạc đầu, tôi lại có dịp về thăm khu di tích Minh Đạm, trước đền thờ các anh hùng liệt sĩ, giữa lòng chiến khu xưa, xung quanh muôn trùng cỏ cây, đá núi và trong phút giây hoài niệm, tôi lại muốn viết gì đó cho Ngày chiến thắng.
Tháng 4, với tôi vẫn là một ẩn dụ khó tả, trong khoảng thời gian này, chẳng phải là nhà văn, chẳng là một nhà phê bình lý luận văn học, chẳng là kẻ si tình văn chương…và cũng chả phải một nhà báo, nhưng để cuộc sống có thêm phần thi vị, bắt trí não phải không ngừng hoạt động, tôi lại viết.
Minh Đạm một trong những căn cứ cách mạng nổi tiếng của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nơi đây ghi dấu biết bao chiến công của quân dân ta trong suốt hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Chính tại nơi đây là cơ quan hoạt động của Huyện ủy Long Điền bám trụ, chỉ đạo quân dân Long Hải, Long Điền kháng chiến góp một phần to lớn vào công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30.4.1975.
Ngày chiến thắng 30.4.1975, dần lùi xa sau 45 năm, nhưng ngày ấy với quá lắm những cuộc đời mất mát thương đau. Gần 2 triệu thường dân chết; hơn 2 triệu thường dân mang thương tật suốt đời; khoảng 2 triệu người (gồm cả quân nhân) phơi nhiễm các loại hóa chất độc hại. Lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam (bao gồm cả Quân Giải phóng miền Nam) có khoảng 1,1 triệu quân nhân hy sinh trong những trường hợp khác nhau (trực tiếp chiến đấu trên chiến trường, gặp tai nạn, ốm đau trên đường hành quân), 600.000 quân nhân bị thương hoặc bị bệnh. Trong số hy sinh, có 300.000 quân nhân chưa tìm được hài cốt, họ đã hy sinh cho những khát vọng tự do của Tổ quốc.
Tháng 4 đến, niềm hoài cổ nhớ về những ngày tháng của 45 năm về trước, và trước đó nữa nước thì nỗi nhớ niềm thương hoài đời là những vết thương chưa thể lấp miệng. Có dịp khuấy động thì mưng mủ xót xa vậy.
Thấy gì sau 45 năm đã trôi qua, hơn 1/3 thế kỷ là khoảng thời gian cần thiết để chúng ta càng nhận ra ý nghĩa vĩ đại của ngày chiến thắng 30.4.1975, một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đó là biểu tượng sáng ngời của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, đỉnh cao của khí phách và trí tuệ Việt Nam “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, “Bắc Nam sum họp”…
Đó cũng chính là chiến thắng của nội lực Việt Nam, của truyền thống văn hoá dân tộc, của sự lãnh đạo tài tình, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, đồng thời là sự ủng hộ giúp đỡ chí tình của bạn bè quốc tế, của các nước Xã hội chủ nghĩa anh em, của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới, trong đó có nhân dân Mỹ.
Với mỗi người Việt Nam, ngày 30.4.1975 là một ngày lịch sử trọng đại. Đó là ngày mà chiến tranh dần đi vào dĩ vãng, đất nước sạch bóng thù xâm lược, hoà bình trở lại trên toàn cõi Việt Nam. Đó là ngày đoàn tụ: Non sông thu về một mối, Bắc – Nam liền một dải từ địa đầu Lũng Cú đến chót mũi Cà Mau. Vĩ tuyến 17 ngang dòng sông Bến Hải chỉ còn là di tích lịch sử một thời…
Có trải qua những năm tháng chiến tranh, chứng kiến cảnh đất nước hai miền chia cắt mới thấy ý nghĩa to lớn của chiến thắng 30.4, mới cảm nhận hết giá trị của những năm tháng hoà bình và sự thống nhất, toàn vẹn Tổ quốc. Vì thế, hơn ai hết, người Việt Nam càng quý trọng những ngày tháng hôm nay, càng trân trọng những thành quả có được sau hơn 30 năm đất nước đổi mới trong bối cảnh vị thế và uy tín của nước ta không ngừng nâng cao.
Cũng vì thế, trong tháng 4 này những người có lương tâm và tinh thần yêu nước không ngừng cảnh giác, đấu tranh trước các thế lực thù địch “hại dân, bán nước” luôn tìm cách viết bài, tung tin giả, bôi nhọ uy tín lãnh đạo Đảng và nhà nước, lôi kéo, dùng đủ chiêu trò để kích động, phá hoại an ninh bình yên của Tổ quốc.
Đứng giữa Di tích chiến khu Minh Đạm, cảm giác mãi là niềm kiêu hãnh, dấu ấn của một thời hào hùng nhưng cũng đầy gian lao, bi tráng của quân và dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu anh dũng góp phần to lớn vào công cuộc đấu tranh vì một Tổ quốc Việt Nam hoà bình và thống nhất.
Như trăm sông về với biển, tất cả những hy sinh của dân tộc Việt Nam dành cho ngày toàn thắng, thống nhất non sông, trước khi trở về lại Sài Gòn, tôi lưu luyến mãi những dòng thơ viết cho ngày chiến thắng:
Cờ đỏ sao vàng rợp trời gió lộng
Tiếng reo hò vang dậy khắp non sông
Trang sử vàng Tổ quốc ghi công
Bia tưởng niệm anh hùng liệt sĩ
Lòng chung thủy cội nguồn dân tộc
Chí kiên cường truyền thống Việt Nam.
Ths Nguyễn Xuân Ngọc
Trưởng ban Tuyên giáo
Đảng ủy Khối cơ sở Bộ Xây dựng